Khái niệm về cảng biển được hình thành từ trước năm 1800. Khi đó, các cảng biển chỉ đơn thuần là vùng đất nằm ở bờ sông để các tàu nước cạn neo đậu, chất hàng lên tàu hoặc bốc dỡ hàng hóa. Lúc bấy giờ,điều kiện thời tiết là yếu tố tác động chính đến sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển. Giai đoạn này, hoạt động của các nhà khai thác cảng chỉ đơn giản là bốc dỡ và thu xếp hàng hóa cho chủ tàu. Càng về sau, do nhu cầu về vận chuyển hàng hóa nên con người đã sáng tạo ra nhiều thứ khác nhau để gia tăng công suất phục vụ cho cảng biển nhằm tiết kiệm thời gian và gia tăng tốc độ bốc xếp hàng hóa. Các cảng biển không còn đơn thuần là nơi bốc dỡ hàng hóa nữa mà còn được sử dụng như kho bãi để trung chuyển đến các nơi khác. Sự bùng nổ về chiến lược kinh tế về quy mô đã làm thay đổi ngành cảng biển khá nhiều. Sự thay đổi về kích cỡ tàu, loại hàng hóa trên tàu và đặc biệt là sự ra đời của các container (thời gian bốc dỡ hàng từ 1 tuần giảm xuống còn 12 tiếng) đã dẫn đến sự hình thành các trang thiết bị, các cảng biển chuyên biệt để phục vụ cho các đối tượng hàng hóa riêng biệt. Kích thước, cơ sở hạ tầng của cảng biển phải đáp ứng cho sự thay đổi của các đội tàu biển đang có xu hướng to dần lên. Đặc trưng này của ngành đòi hỏi các cảng biển phải được mở rộng, nâng cấp liên tục phù hợp với đặc điểm của các đội tàu trong từng thời kỳ. Đặc điểm của đội tàu thay đổi, cơ sở hạ tầng của cảng biển cũng phải thay đổi theo.
Hình 1: Phân loại cảng biển theo chức năng.
Ở Việt Nam, cổ phiếu ngành cảng biển thường có thanh khoản thấp, tỷ lệ chia cổ tức trung bình đều đặn qua các năm (10-30%). Cổ phiếu ngành này phù hợp với những cổ đông thích “ăn chắc, mặt bền”
Đặc điểm của ngành cảng biển thế giới.
Ngành cảng biển là một ngành phụ thuộc rất lớn vào biến động nền kinh tế thế giới, sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển có mối quan hệ sâu sắc với tăng trưởng thương mại và tăng trưởng kinh tế toàn cầu, những giai đoạn biến động mạnh của sản lượng container thế giới đều gắn liền với các sự kiện kinh tế, chính trị lớn.
Hình 2: Sản lượng container thông qua cảng biển thế giới 1985 – 2015
Hiện nay, tốc độ tăng trưởng kép của ngành giai đoạn 2010-2015 chỉ đạt 5.1% so với mức 8-10% trong quá khứ. Lý giải cho sự tăng trưởng chậm này là vì các nền kinh tế lớn trên thế giới đều đã tăng trưởng chậm lại (kể cả Trung Quốc) và những sự kiện vĩ mô xảy ra liên tiếp làm ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng được phân hóa rõ rệt ở các khu vực.
Hình 3: Tốc độ tăng trưởng hàng hóa qua cảng biển ở các khu vực.
Trung Quốc là một trong những quốc gia có ảnh hưởng lớn nhất đến ngành cảng biển (1) một phần do nước này đã trở thành công xưởng của thế giới sau giai đoạn thay đổi mạnh mẽ về cơ chế chính trị-kinh tế, thu hút dòng vốn FDI khuyến khích xuất nhập khẩu (2) thứ hai là do vị trí địa lý cũng như cơ sở hạ tầng hiện đại (Trung Quốc chiếm 7/10 cảng có số lượng hàng container nhiều nhất thế giới).
Do đó, việc Trung Quốc phát triển chậm lại đã ảnh hưởng rất lớn đối với nền kinh tế thế giới. Ngoài ra, mặt bằng lương Trung Quốc ngày càng tăng sẽ dẫn đến việc dịch chuyển các nhà máy, cơ sở sản xuất của các tập đoàn lớn sang các nước đang phát triển ở Đông Nam Á để tận dụng nguồn nhân lực giá rẻ nơi đây, các tập đoàn lớn của Mỹ có thể cũng sẽ suy nghĩ về việc chuyển nhà máy về nước của mình. Việc này sẽ làm giảm sản lượng container thế giới một cách đáng kể.
Quang Nhựt – K30 - http://thesharingbankers.com